Dịch vụ thuê ngoài - xu hướng hiện đại

Giải pháp thuê các dịch vụ bên ngoài (outsource) đang bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thật sự hiểu rõ lợi ích của những dịch vụ này.

Có nhiều lý do khác nhau để các doanh nghiệp thuê thực hiện dịch vụ cho mình. Quan điểm chung khi các công ty sử dụng dịch vụ outsource là đơn vị cung cấp chuyên nghiệp hơn, bảo đảm cho hoạt động được thông suốt theo đúng nhu cầu của công ty. Bên cạnh đó, họ không phải “nhức đầu” khi xảy ra những sự cố không thuộc chuyên môn.

Nhà cung cấp chuyên nghiệp hơn

Công ty cổ phần Phần mềm FPT (FPT Software) có trụ sở làm việc tại Khu công nghệ cao, Q.9, TP.HCM. Để phục vụ cho nhu cầu của nhân viên và vận hành tòa nhà này, Công ty đang sử dụng khá nhiều dịch vụ do bên ngoài cung cấp như dịch vụ quản lý Tòa nhà của Jones Lang Lasalle (JLL); dịch vụ
xe đưa đón của nhà cung cấp Kumho; dịch vụ căng tin của P.Dussman; các dịch vụ ăn uống như Cafeteria, quầy dịch vụ do các cá nhân thành lập công ty để thực hiện. Ngoài ra, các dịch vụ khác như bảo vệ, vệ sinh, chăm sóc cây cảnh trong nhà, ngoài nhà... cũng đều được thuê ngoài. 

Theo bà Nguyễn Bá Nhị Anh, Phó Giám đốc FPT Software TP.HCM, Công ty chọn thuê dịch vụ chuyên nghiệp là vì khả năng cung cấp dịch vụ tốt. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ còn có hệ thống hỗ trợ có sẵn mà nếu tự xây dựng đơn vị sẽ không làm được (như có nhân lực dự phòng, có điều kiện xử lý tình huống khẩn cấp)... 

Đơn cử, đơn vị được thuê có đầu bếp thay thế trong trường hợp đầu bếp đang làm việc bị ốm; có thể nấu bữa ăn khẩn cấp tại bếp trung tâm và vận chuyển đến FPT Software nếu thiết bị bếp tại trụ sở FPT Software không vận hành được. Phương tiện vận chuyển khi gặp sự cố cũng có thể được thay thế trong vòng 30 phút.

Bà Nhị Anh nhấn mạnh: để dịch vụ luôn được duy trì tốt thì bên cung cấp dịch vụ phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên ngành; thay đổi hoặc luân phiên nhân sự cho phù hợp với các yêu cầu của đơn vị sử dụng. Những điều này có thể dễ dàng được thực hiện khi outsource nhưng sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi” nếu là đơn vị tự vận hành, mà chi phí có khi còn cao hơn.

Tuy chưa sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau như FPT Software nhưng công ty sản xuất nước giải khát Kirin Acecook Việt Nam cũng đã sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn trưa cho toàn bộ nhân viên của công ty từ bên ngoài. Theo ông Kamimura Yosuke, Trưởng phòng tiếp thị Kirin Acecook Việt Nam, công ty ông khó có thể tự thực hiện tốt việc này bằng dịch vụ chuyên nghiệp bên ngoài. 

Hơn nữa, mặt bằng công ty cũng không thuận lợi để tự phục vụ bữa ăn cho công nhân ngay tại công ty và nhà máy… Trên thực tế, hoạt động thuê ngoài đã xuất hiện tại Việt Nam từ dăm bảy năm gần đây, nhưng theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường IDC, tới năm 2007 mới chỉ có khoảng 17% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên sử dụng dịch vụ thuê ngoài chưa được thống kê chính xác, nhưng theo một chuyên gia kinh tế, có lẽ cũng chưa vượt quá 20%.

Còn những lý do tế nhị!

Có lẽ vấn đề chi phí là câu chuyện đầu tiên làm các doanh nghiệp e ngại khi thuê ngoài. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 cho rằng, trong trường hợp doanh nghiệp có đủ mặt bằng để tổ chức cung cấp suất ăn cho người lao động thì chất lượng bữa ăn sẽ tốt hơn là thông qua đơn vị thứ 3, với cùng một khoản chi phí.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Bá Nhị Anh, thuê sử dụng dịch vụ outsource mặc dù chi phí cao hơn khi doanh nghiệp tự vận hành, song điều quan trọng là trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp không lường trước được các vấn đề phát sinh. Khi xảy ra sự cố thì chi phí sẽ gia tăng ngoài dự kiến, có khi còn cao hơn chi phí thuê dịch vụ rất nhiều.

Không quá quan tâm đến vấn đề chi phí, giám đốc một công ty thương mại xuất khẩu tại TP.HCM tiết lộ rằng, đã có thời gian ông thuê dịch vụ tư vấn luật bên ngoài khi có việc cần. Thế nhưng trong kinh doanh, đôi khi có những thông tin không thể để cho nhiều người biết, nên cuối cùng ông đã chọn cách thành lập bộ phận pháp chế trong công ty với đội ngũ luật sư riêng thuộc biên chế công ty. 

Vị giám đốc này cho biết, cách làm này khá tốn kém nhưng làm cho ông thực sự an tâm. Những hoạt động khác như kế toán cũng vậy, rất khó để thuê ngoài. “Tôi cho rằng chỉ nên thuê ngoài một số loại công việc nhất định như vệ sinh, bảo vệ, đưa rước người lao động”, ông bày tỏ quan điểm. 

Tâm lý e ngại và chưa sẵn sàng thay đổi cho phù hợp với mô hình sử dụng dịch vụ thuê ngoài của vị giám đốc này cũng là trường hợp phổ biến đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ.

Trong khi đó, các công ty nước ngoài lại có cách lập luận khác. Đại diện một công ty nước ngoài tại TP.HCM cho biết, hiện nay họ đang thuê văn phòng (có sẵn nhân viên vệ sinh, bảo vệ), thuê bộ phận tiếp tân, thuê công ty truyền thông để phát ngôn và xử lý thông tin ra bên ngoài, thuê một công ty nước ngoài khác thực hiện việc phân tích và xử lý số liệu phục vụ kinh doanh… Công ty này không lo lắng về chuyện nhân sự, chuyện xử lý thông tin bị lộ với đối thủ cạnh tranh, bởi họ cho rằng “mọi thứ đều có luật và có hợp đồng chặt chẽ”.

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng thuê ngoài đã được nhiều công ty trên thế giới áp dụng để tối ưu hóa dịch vụ, đồng thời tiết giảm chi phí cho đơn vị. Đây được xem là một xu hướng hiện đại vì dựa trên sự phân công lao động trong một xã hội tiên tiến, giúp đạt được hiệu quả cao nhất, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Theo Lê Yến
Báo Doanh nhân